TRĨ SAU SINH LÀ BỆNH GÌ?

Võ Duy Hải
BS điều trị khoa Ngoại tổng hợp
Bệnh viện Trưng Vương

Trĩ sau sinh xuất hiện sau quá trình sinh con và thường gặp không chỉ ở phụ nữ đang mang thai và cho con bú. Cùng tìm hiểu rõ hơn qua bài viết bên dưới nhé!

    1. Trĩ là gì?
    2. Nguyên nhân gây ra trĩ sau sinh là gì?
    3. Triệu chứng nhận biết trĩ sau sinh
    4. Trĩ sau sinh có nguy hiểm không?
    5. Phòng ngừa và điều trị trĩ sau sinh?

1. Trĩ là gì?

Trĩ là một cấu trúc giải phẫu bình thường của con người, gồm các mạch máu và mô liên kết nằm ở ống hậu môn. Khi các mạch máu này vì nguyên nhân nào đó sưng to lên, chảy máu, hoặc bị ứ đọng tạo ra huyết khối gây ra bệnh trĩ. Mẹ bầu đang mang thai có nhiều nguy cơ mắc bệnh này trong thai kì và sau khi sinh.  Triệu chứng bệnh thường không nặng hay diễn tiến nguy hiểm, nhưng sẽ khiến bệnh nhân lo lắng và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Tùy theo vị trí của búi trĩ, bệnh được chia thành trĩ nội và trĩ ngoại3. Để phân biệt sự khác nhau giữa trĩ nội và trĩ ngoại bạn có thể đọc tại đây.

2. Nguyên nhân gây ra trĩ sau sinh là gì?

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra trĩ, dưới đây là một vài các nguyên nhân thường gặp gây ra bệnh trĩ sau sinh:

  • Đã có bệnh trĩ từ trước hoặc mới xuất hiện khi mang thai: trong quá trình mang thai, trọng lượng của thai nhi và sự phình to nhanh của tử cung khiến cho áp lực ổ bụng tăng nhanh, dễ làm nặng thêm bệnh trĩ đã có hoặc khiến tỉ lệ phát bệnh tăng cao, nhất là về những tháng cuối thai kì.
  • Sản phụ rặn quá nhiều hoặc rặn sai cách, khiến cho các mạch máu trĩ dễ dàng bị ứ máu , khiến các búi trĩ sa ra ngoài.
  • Do chế độ ăn uống sau sanh không đầy đủ các chất cần thiết, dẫn đến quá trình hậu sản thường xuyên bị táo bón. Táo bón là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây trĩ không chỉ ở phụ nữ sau sinh.
  • Do sự thay đổi nội tiết tố, trong thai kỳ, cơ thể phụ nữ gia tăng chế tiết hormome Progesterone, hormone này tác động lên thành mạch máu, làm giãn mạch nhẹ, dễ dàng làm cho búi trĩ xuất hiện1.

3. Triệu chứng nhận biết trĩ sau sinh

  • Đi tiêu ra máu đỏ tươi: thường thấy máu dính phân hoặc ra sau phân, đôi lúc một số bệnh nhân sẽ cảm nhận được máu đang nhỏ giọt hoặc phun thành tia sau khi rặn.
  • Búi trĩ bị sa ra ngoài, gây cảm giác ngứa, đau rát, khó chịu ở hậu môn.
  • Ở bệnh nhân mắc trĩ ngoại, sẽ kèm theo đau nhức dữ dội vùng hậu môn3.

4. Trĩ sau sinh có nguy hiểm không?

Măc dù triệu chứng thường gặp nhất của trĩ là chảy máu, tuy nhiên, chảy máu do trĩ thường tự cầm được. Do đó cũng hiếm trường hợp trĩ gây ra thiếu máu trầm trọng gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, do trĩ gây chảy máu thường xuyên kèm hoặc không kèm đau, khiến cho bệnh nhân stress và gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt.

Ở phụ nữ sau sinh đang cho con bú, việc điều trị tương đối hạn chế do có nguy cơ các thành phần của thuốc cũng được bài tiết ra trong sữa mẹ. Do đó, các bà mẹ có bệnh trĩ sau sinh, không được tự ý sử dụng thuốc mà cần sự thăm khám và điều trị từ bác sĩ chuyên khoa.2

5. Phòng ngừa và điều trị trĩ sau sinh?

Bệnh trĩ sau sinh có thể được phòng ngừa bằng thói quen sinh hoạt hợp lý kể từ khi bắt đầu thai kỳ. Các thói quen này bao gồm:

  • Chế độ ăn nhiều chất xơ. Bổ sung vào bữa ăn thêm các loại rau, củ, đậu,.. Có thể ăn thêm trái cây vào tráng miệng hay các bữa ăn phụ trong ngày.
  • Uống đủ nước từ 1,5 đến 2 lít. Nếu nước tiểu có màu vàng sậm,cơ thể bạn đang thiếu nước và cần được bổ sung ngay.
  • Tập thói quen đại tiện vào một giấc cố định trong ngày.
  • Không sử dụng điện thoại khi đang đại tiện.

Nếu bạn đang có các vấn đề về đường tiêu hoá (vd: táo bón, chướng bụng,.. ) bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời nhé.3

Bệnh nhân có thể được điều trị nội khoa ở trĩ nội độ 1 và phần lớn bệnh nhân trĩ độ 2 kết hợp với chế độ ăn phù hợp và thay đổi lối sống. Ngoài ra, can thiệp ngoại khoa bao gồm: chích xơ, đốt laser búi trĩ, quang đông hồng ngoại, hoặc các phẫu thuật cắt trĩ, khâu triệt mạch. Tuỳ theo tình trạng lâm sàng của bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ tư vấn và lựa chọn phương pháp phù hợp.


Tài liệu Tham khảo
1. Hậu, N. V. (không ngày tháng). BỆNH TRĨ SAU SINH: NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU, CÁCH TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA. Được truy lục từ https://tamanhhospital.vn/benh-tri-sau-sinh/
2. Osborn, C. O. (2018). How to Deal with Hemorrhoids After Pregnancy. Healthline.
3. Townsend, C. M. (2016). Sabiston Textbook of Surgery The Biological Basis of Modern Surgical Practice (20th). Philadelphia : Elsevier.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

LIÊN HỆ ĐỂ BÁO CÁO CẢNH GIÁC DƯỢC





    Không quá 400 từ.



    Block "327" not found